Hôm qua, 14/2/2021, nghe tin Thầy mất, dẫu biết rằng Thầy đã đạt ngưỡng đại thọ, nhưng trong lòng vẫn cảm thấy bồi hồi, xúc động. Sự nghiệp xây dựng ngành Châm cứu VN và công cuộc đưa châm cứu VN ra thế giới của Thầy thì xin để các bậc cao nhân trong Ngành tổng kết, chỉ xin ghi lại một số kỷ niệm nhỏ, như một nén tâm hương của một học trò từ phương xa…
Mình có lẽ là một trong số rất ít người cùng thế hệ sinh viên trường Y được hân hạnh ‘’gặp’’ Thầy từ rất sớm, cách đây đến gần 40 năm. Chả là đầu những năm 80s của thế kỷ trước, bối cảnh xã hội VN lúc đó còn rất thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần vì vừa bị cấm vận quốc tế cộng với hình thức quản lý tập trung quan liêu bao cấp. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, qua những chuyến đi trình diễn châm cứu thành công ở nước ngoài, chính Thầy là người đã đem về những bộ đầu video và các bộ phim, và cho ‘’công chiếu’’ tại hội trường của Viện Đông Y (giờ là BV YHCT TW).
Việc làm này khi ấy giống như "đem ánh sáng văn hóa về vùng khó khăn" và tạo nên tiếng vang lớn. ‘’Cùng đi sang Viện (Đông Y) xem phim video’’ đã trở thành một kỷ niệm khó quên với rất nhiều người. Thực vậy, vì đó lần lần đầu tiên trong đời, rất nhiều người cả già trẻ lớn bé được biết thế nào là đầu máy video, được xem các bộ phim mầu trên màn hình TV khổ lớn, mà trước đó chỉ được biết những ‘’công nghệ’’ này qua sách báo. Với lũ trẻ 8-9 tuổi như bọn mình lúc bấy giờ, đều là con em trong tập thể Viện Đông Y, chỉ dám nhìn Thầy từ xa như ông tiên đã mang đến một điều kỳ diệu cho mọi người. Mà trông Thầy đẹp thật với khuôn mặt như ‘’Tây’’ và mái tóc lúc nào được chải ngược một cách cực kỳ lịch lãm.
Thầy cũng là người không bao giờ quên những bạn bè và đồng nghiệp cũ. Hàng xóm nhà mình có ông lương y về hưu và hành nghề châm cứu tại nhà. Dù chỉ làm việc với Thầy một số năm trước đó, nhưng ông này cũng được Thầy tặng một cái ‘’máy hẹn giờ’’ (timer), và nó rất hữu ích cho những người làm châm cứu, vì không phải thỉnh thoảng liếc đồng hồ xem đã hết giờ để rút kim ra chưa. Bây giờ thì cái máy này quá bình thường, và thực ra cũng không cần nữa vì smartphone đã tích hợp chức năng này, nhưng cách đây ba bốn chục năm, trong hoàn cảnh thiếu thốn như vậy, thì nó là một món quà có nhiều ý nghĩa. Còn nhớ hồi đó có ông kỹ sư cạnh nhà cứ mỗi lần nhìn thấy nó lại trầm trồ khen ngợi, bảo sao tư bản họ nghĩ ra được lắm cái hay thế!
Rồi khi đã là sinh viên, đi thực tập tại Viện Châm cứu của Thầy, được tận mắt chứng kiến việc Thầy luôn đứng ra bảo vệ những người yếu thế. Ví dụ như bệnh nhân nghèo không những được chữa bệnh miễn phí mà còn được bao cả ăn ở, sinh viên thực tập được quí mến, và được tạo điều kiện tối đa. Cán bộ nhân viên nào mà hơi ‘’lên mặt’’ với bệnh nhân nghèo hoặc với sinh viên thực tập là bị Thầy chấn chỉnh ngay.
Sau khi ra trường, mình có được tham dự một buổi Thầy giới thiệu về châm cứu hỗ trợ cai nghiện ma túy. Hiệu quả thực sự của phương pháp này thì mình để các chuyên gia đánh giá, nhưng chỉ xin kể một chi tiết. Vì là Hội nghị về cai nghiện ma túy nên có cả đại diện công an và chính quyền tham dự. Trong khi có người gọi những bạn trẻ bị nghiện là ‘’chúng nó’’ thế này, ‘’chúng nó’’ thế khác, thì Thầy thể hiện tính nhân văn rất cao khi gọi họ là ‘’các cháu’’ và người nghe có thể cảm nhận được sự cảm thông và niềm thương cảm thực sự của Thầy đối với những bạn trẻ đang vướng vào cái tệ nạn này.
Mình cũng được học cùng tổ, cùng lớp tại trường Y với con gái út của Thầy, và thấy bạn ấy cũng rất khiêm tốn, với các ứng xử rất chừng mực, chứ không hề tỏ ra mình là con của một GS đầu ngành. Chắc điều này cũng do được ảnh hưởng từ nhân cách của Thầy.
Mình cũng được vinh dự nghe thầy nói về cách giới thiệu châm cứu ra với phương Tây nói riêng và với thế giới nói chung. Thầy bảo phương Tây là khoa học thực nghiệm, là dựa vào các căn cứ cụ thể (evidence-based), cho nên khi giới thiệu châm cứu với họ mình cũng phải dựa vào nguyên tắc đó mà thuyết trình thì mới thuyết phục được họ. Chứ cứ dịch nguyên văn ‘’Âm dương ngũ hành’’ ra tiếng tây thì rất khó làm cho họ hiểu. Hồi còn ở VN, mình có đi châm cứu, bấm huyệt cho người nước ngoài, và cũng áp dụng nguyên tắc này khi giải thích cho bệnh nhân, và nhờ đó công việc chữa bệnh thường được đánh giá cao hơn. Mình cũng áp dụng cách tiếp cận này khi trình bầy một bài giới thiệu khái quát về y học cổ truyền cho các đồng nghiệp ‘’Tây’’ tại VP WHO tại Hanoi hồi năm 2005, và có vẻ cũng nhận được nhiều sự tán đồng nhất định.
Cũng đã từng được nghe Thầy kể sơ qua về những lần ‘’đem chuông đi đấm nước người’’, rồi cách Thầy ‘’đấu trí’’ với các đồng nghiệp châm cứu đến từ TQ, và hiểu rằng cách tiếp cận của Thầy cũng khá giống với cách cha ông ta đánh giặc ngày trước, tức là ‘’lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, nhỏ mà có võ’’. Nhân đây cũng xin gợi ý các anh chị em nào có dịp gần gũi và được Thầy kể cụ thể những câu chuyện trên, thì cũng nên chia sẻ để mọi người cùng biết. Chắc chắn chúng ta có thể áp dụng những kinh nghiệm này không chỉ trong lĩnh vực YHCT mà còn cả những lĩnh vực khác mỗi khi cần ‘’đi ra biển lớn’’.
Lần cuối cùng mình được gặp thầy là vào khoảng năm 2008-2009, tại Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, hình như trên đường Trần Hưng Đạo thì phải. Thầy bảo ‘’chú sắp sang Mexico giảng bài, nhưng vì tuổi cao rồi, nên cần phải nghỉ một ngày tại Paris, rồi mới đi tiếp’’. Không chỉ với các bạn trung niên và ngay cả với các bạn trẻ, Thầy hay xưng ‘’chú’’ một cách thân mật như vậy.
Một số người nói Thầy có tài ‘’ngoại giao’’ nên mới được nổi tiếng như thế, còn mình vẫn nghĩ Thầy là một người thực sự có Tâm và có Tài, vì nếu không có những cái đó thì không thể để lại được một gia sản về Châm cứu đồ sộ như thế.
Được biết Thầy ra đi thanh thản, và hưởng Đại Thọ ở tuổi 91. Con cầu mong Thầy sớm được vãng sanh tại chốn cực lạc, và sẽ phù hộ độ trì cho ngành châm cứu nói riêng và ngành YHCT nói chung của nước nhà. Xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến bạn M. cùng toàn thể gia quyến.
ThS. BS. Lê Anh Tuấn