Dấu hiệu
1. Hung dữ
Hung dữ đối với người và những vật nuôi khác là biểu hiện của sự căng thẳng, mệt mỏi hoặc đau đớn. Nếu bạn nhận thấy chú chó của mình trở nên kích động bất thường, cần kiểm tra xem bé có bị đau ở đâu không. Nếu đã qua kiểm tra mà không phát hiện ra dấu hiệu bệnh lý thì rất có thể chú chó đó đang gặp vấn đề về tâm lý.
2. Sợ sệt, trốn tránh
Chú chó của bạn bỗng nhiên tỏ ra sợ hãi, trốn tránh, không thân thiện như thường ngày, có thể nó đang lo âu, căng thẳng. Cũng giống như chúng ta, đôi khi, cũng cần có không gian riêng để thư giãn một mình. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, bạn nên nghĩ đến trường hợp chó bị trầm cảm. Lúc này, cần phải tìm hiểu nguyên nhân chó bị trầm cảm để có cách khắc phục.
3. Biếng ăn
Chó đột ngột buồn bã, bỏ ăn cũng là một trong những dấu hiệu của căng thẳng. Trường hợp khác là chó vẫn ăn uống bình thường nhưng lại bị sụt cân, bạn cũng cần lưu ý vì đó cũng có thể là biểu hiện của trầm cảm.
4. Các vấn đề về tiêu hoá
Tiêu chảy hoặc táo bón thường liên quan đến các bệnh lý về tiêu hoá hoặc dị ứng, hoặc cũng có thể là do trầm cảm. Khi cún bị tiêu chảy hoặc táo bón trong vòng 24 giờ, bạn cần đưa thú cưng đến bác sĩ thú y. Nếu vẫn không phải là bệnh lý thì khả năng là cún gặp vấn đề về tâm lý.
5. Liếm miệng, liếm/ cắn chân
Điều quan trọng là sớm nhận biết các dấu hiệu ban đầu của trầm cảm. Khi bị lo lắng, căng thẳng, chó thường sẽ liếm miệng rất nhiều, hoặc liếm/ cắn chân.
6. Ngáp nhiều quá mức, ngủ nhiều bất thường
Chó ngáp vì nhiều nguyên nhân khác nhau, và trạng thái căng thẳng là một trong số đó. Nếu chó ngáp thường xuyên, liên tục kèm theo dấu hiệu mệt mỏi, ngủ nhiều thì bạn cần lưu ý theo dõi kỹ hơn để tìm ra nguyên nhân.
Làm sao để giúp chó không bị stress?
Quan trọng nhất là bạn phải hiểu được hành vi thường ngày của thú cưng. Khi bạn có sự quan sát và thấu hiểu những trạng thái cảm xúc và hành vi bình thường của chúng, bạn sẽ dễ dàng nhận ra sự thay đổi khác thường.
1. Giữ bình tĩnh
Thú cưng có thể hiểu được cảm xúc của bạn. Do đó, khi bạn mất bình tĩnh, thường hay giận dữ, cáu gắt thì chú chó của bạn cũng có thể bị ảnh hưởng theo. Kể cả khi thú cưng trở nên giận dữ bất thường, bạn càng la mắng, quát nạt, chúng sẽ càng phản ứng gay gắt hơn. Vì thế, nguyên tắc là bạn nên giữ bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc của mình trước khi muốn kiểm soát hành vi của thú cưng.
2. Tạo ra “vùng an toàn”
Mỗi chú chó đều cần có một “vùng an toàn” – nơi mà chúng có thể tìm đến mỗi khi cảm thấy lo âu, căng thẳng. Khi trốn vào “vùng an toàn” tức là chúng cần không gian riêng để tự thư giãn một mình, bạn đừng cố gắng xâm phạm. Điều đó chỉ khiến cho thú cưng càng lo lắng, bất an hơn.
3. Tập thể dục
Bạn đừng bao giờ quên rằng, những chú chó có tính “xã hội” rất cao. Chúng thích được vận động và giao lưu với bạn bè đồng loại. Dành thời gian 15-30 phút mỗi ngày để đưa thú cưng đi dạo. Điều này sẽ giúp cho chúng vui vẻ, thân thiện, tránh lo âu, trầm cảm.
Thú cưng cần một chế độ dinh dưỡng đầy đủ để thể chất khoẻ mạnh, ngoài ra, bạn cũng phải dành thời gian quan tâm và chơi cùng để chúng không bị stress.