“Bài Giản dị của BS Lê Khắc Thiền chẳng phải là một đóa hoa tươi rất mực ném vào trong lẵng thơ kháng chiến đó ư?” - Xuân Diệu viết năm 1948.
Bác sĩ Lê Khấc Thiền là một người bạn thiết của Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiễng, Mai Văn Bộ trước Cách mạng Tháng Tám. Trên nền nhạc của Lưu Hữu Phước, ông đã cùng Đặng Ngọc Tốt soạn lời 2 Tiếng gọi sinh viên (lời 1 Tiếng gọi thanh niên do Mai Văn Bộ soạn).
Ông cũng là tác giả một số bài thơ hay, sáng tác hồi đầu kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là bài Giản dị được Xuân Diệu đánh giá cao.
Tôi viết bài báo này là để giúp thế hệ trẻ hôm nay không quên ông, không quên một bài thơ xuân ra đời cách nay đúng 65 năm.
Hồi ấy, trên tạp chí Văn Nghệ số 10 xuất bản tại chiến khu Việt Bắc (mà thi thoảng bọn học sinh chúng tôi vẫn nhận được và đọc ngấu nghiến), nhà thơ Xuân Diệu nhận xét: “Kháng chiến với những cuộc đi làm nảy nở những nhà thơ ngủ thầm trong lòng nhiều bạn, như bài thơ này - bài Giản dị - chẳng phải là một đóa hoa tươi rất mực ném vào trong lẵng thơ kháng chiến đó ư? (...) Cái cảm giác xuân phơi phới, đọc thơ rồi khó quên.”
Suối tự ngàn năm reo nhạc đá
Người không biết tuổi - tháng ngày trôi...
Bác sĩ Đại tá Lê Khắc Thiền, tác giả bài thơ Giản dị. (Ảnh tư liệu gia đình)
Thế rồi gần đây, đi cùng Nhà văn hóa Hữu Ngọc lên thăm bản Dao Đỏ ở thôn Nà Mìu, xã Mẫu Sơn, Lộc Bình, Lạng Sơn, đứng trên dưới chân Núi Mẹ, ngọn núi cao nổi tiếng thường có tuyết về mùa đông, nghe tiếng “suối tự ngàn năm reo nhạc đá”, ngắm mấy cô “sơn nữ” trùm khăn đỏ, “ngây thơ hoa đỏ giắt bên tai”, tôi bỗng dưng nhớ đến bài thơ Giản dị của Lê Khắc Thiền.
Đọc thư nhà trên đường ra trận.
Ở những nơi hoang vu như bản Nà Mìu ấy, chỉ những bạn trẻ mới có giấy khai sinh, mới biết chắc tuổi mình; chứ các cụ già thì chỉ nhớ tuổi áng chừng mà thôi! Mỗi năm một mùa rẫy, khắc vào cán con dao phát nương một nhát. Thuở bé, chưa đi làm rẫy, tất nhiên, chưa khắc nhát nào. Rồi khi về già, không còn hơi sức để đi làm rẫy nữa, thì cũng chẳng buồn khắc tiếp vào cán dao! Chỉ đếm số nhát khắc trên cán dao phát nương để tính số tuổi, thì làm sao mà chính xác được! Đúng là bà con "không biết tuổi"!
Người không biết tuổi - tháng ngày trôi...
Vào cuối năm 1947, anh trí thức trẻ Lê Khắc Thiền rời Hà Nội ba mươi sáu phố phường náo nhiệt phồn hoa, đi tham gia kháng chiến, đã ghi lại nhận xét ấy bằng một câu thơ hay, khi đặt chân tới bản Cà Roòng, huyện Bố Trạch trên dãy Trường Sơn phía tây tỉnh Quảng Bình.
.
Tác giả vẽ ra trước mắt chúng ta một cảnh sống nguyên sơ thuần phác giữa ngô, sắn, chuối rừng, chưa cần rào giậu, kín cổng cao tường phòng ngừa trộm cắp:
Tháng ngày trôi nhẹ lướt cành thu
Nắng sưởi đồi xanh cuốn lưới mù
Lớp lớp chuối rừng chen loáng bạc
Bướm đàn ai thả - nỗi hoang vu.
Ấm cảnh hoang vu một mái nhà
Sàn cao đón gió lộng phương xa
Mảnh vườn không ngõ, không rào giậu
Ngô sắn xanh che bóng lợn gà.
Điều kỳ diệu là, những con người sống cuộc “đời nguyên thủy” ấy, ngay cả số tuổi của mình cũng không biết nữa, lại có thể bằng trực giác cảm nhận được đại nghĩa của kháng chiến, mở rộng cõi lòng đón anh vệ quốc vào quân lúc năm hết Tết đến:
Giữa sàn bếp đượm, lửa reo vui
Già trẻ khèn say, rộn tiếng cười
Cô gái vai trần, da nắng đậm
Ngây thơ hoa đỏ giắt bên tai.
Hình ảnh “cô gái vai trần, da nắng đậm / ngây thơ hoa đỏ giắt bên tai” rất chân thực, có cái gì đó phảng phất bóng dáng cô gái Tahiti trong tranh của danh họa Pháp Paul Gauguin cuối thế kỷ 19, một vẻ đẹp khỏe khoắn, gợi tình một cách hồn nhiên, không chủ ý.
Lòng người cũng thắm như hoa ấy
Mộc mạc nhưng mà thấm đậm thay!
Ở đây rượu trú không nồng lắm
Có uống rồi ra mới thấy say.
“Rượu trú” là loại rượu nếp ủ men lá, khi đã lên men thì trộn thêm trú (tức trấu), rồi cho vào hũ nút kín. Có khách tới, mới mở nút ra, đổ thêm nước, cắm cần vào hũ để uống.
Nếu không có Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến thần kỳ, thì làm thế nào một chàng trai thanh nhã hào hoa, một ông đốc-tờ “hái ra tiền” giữa chốn kinh kỳ đô hội như Hà Nội, lại có thể đặt chân tới bản Cà Roòng giữa rừng sâu?
Nghỉ bước đường trường, ta tới đây
Nhóm lò lửa ấm, khói hòa mây.
Lắng nghe nhịp sống rừng nguyên thủy
Thong thả buông lòng trong phút giây...
Ngay từ dạo ấy, năm 1948, bài Giản dị đã được một thầy giáo dạy văn ở Trường trung học Đặng Thúc Hứa (Thanh Chương, Nghệ An), đem ra giảng trên lớp. Nhưng rồi có ý kiến phê phán gay gắt, cho đó là một bài thơ điển hình còn rơi rớt lại của phái “nghệ thuật vị nghệ thuật”, mang màu sắc “đạo” của tư tưởng Lão - Trang, không hề biết đến “đấu tranh giai cấp”! Và, vì thế, không thể đem ra giảng dạy trong nhà trường kháng chiến!
Cũng may, Tuớng Nguyễn Sơn, Tư lệnh Liên khu Bốn hồi đó, một vị tướng yêu văn nghệ, hiểu văn nghệ, công khai quả quyết: "Giản dị không hề sai phạm chính trị!"
Trường phố thông dân tộc nội trú huyện Bố Trạch, nơi BS Lê Khắc Thiền đã đi qua ngày đầu chống Pháp.
Học sinh nội trú bản Cà Roòng hôm nay.
Sau chuyến đi thăm bản Dao Đỏ dưới chân núi Mẫu Sơn trở về Hà Nội, tôi dò hỏi nhiều lần và cuối cùng tìm được chỗ ở của BS Lê Khắc Thiền trong khu tập thể quân đội tại đường Trần Phú. Tôi gặp ông trước Tết năm ấy. Không ngờ đó là lần gặp cuối cùng! Chân tay ông hơi run nhưng đầu óc vẫn sáng suốt. Ông sinh năm 1918 tại Sơn An, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Thời trẻ học rất giỏi, cho nên mới thi đỗ vào Đại học Y Hà Nội. Vừa học vừa sôi nổi tham gia hoạt động xã hội, được bầu vào Ban Chấp hành Tổng hội Sinh viên Việt Nam cùng với Dương Đức Hiền, Huỳnh Văn Tiễng...
Này sinh viên ơi! Đứng lên đáp lời sông núi!
Đồng lòng cùng đi, đi, đi mở đường khai lối
Kìa non sông nước xưa
Truyền muôn năm chớ quên
Nào anh em Bắc, Nam
Cùng nhau ta kết đoàn...
Trên nền nhạc của Lưu Hữu Phước, cuối năm 1941, Lê Khắc Thiền, lúc bấy giờ mới 23 tuổi, người miền Bắc, cùng Đặng Ngọc Tốt, người miền Nam, soạn lời 2 Tiếng gọi sinh viên (lời 1 Tiếng gọi thanh niên do Mai Văn Bộ soạn). Lời 2 kết thúc bằng những câu giục giã lớp trí thức trẻ đang sục sôi yêu nước:
Sinh viên ơi! Mau tiến lên dưới cờ!
Anh em ơi! Quật cường nay đến giờ!
Tiến lên, cùng tiến, gió tung nguốn sống
Cháy trong lòng ta ngàn mớ lửa hồng...
Tháng 5/1946, chỉ vẻn vẹn có bốn người thi đỗ bác sĩ y khoa tại Hà Nội trong đó có Lê Khắc Thiền. Ngay sau đó, ông gia nhập quân đội, phụ trách quân y mặt trận Bình Trị Thiên. Sinh thời, có lần BS Nguyễn Khắc Thiền trầm ngâm kể lại với tôi:
- Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, các con đường trong vùng đồng bằng và trung du Bình Trị Thiên đều bị quân Pháp phong tỏa. Chúng tôi phải đi ngược về phía tây tỉnh Quảng Bình, ngang qua động Phong Nha. Lũ đột ngột đổ về, không thể vượt suối lớn, đành “nghỉ bước đường trường”, dừng lại ở bản Cà Roòng. Dân ở đây đều đi theo kháng chiến do già làng đã đi theo. Cuộc sống hiền hòa quá,có lẽ đang ở thời công xã nguyên thủy, chưa phân hóa giai cấp. Được ba hôm, lũ rút, lại tiếp tục lên đường vào Thừa Thiên, bắt tay xây dựng chiến khu Hòa Mỹ ở huyện Phong Điền. Đó là lúc tôi viết hai bài thơ Giản dị và Xuân chiến khu, sau này, được Chính Hữu chọn in trong cuốn Thơ kháng chiến 1945-1954, nhưng đáng tiếc mắc nhiều lỗi in, mong anh đính chính giúp!
GIẢN DỊ
LÊ KHẮC THIỀN
Suối tự ngàn năm reo nhạc đá
Người không biết tuổi - tháng ngày trôi...
Tháng ngày trôi nhẹ lướt cành thu
Nắng sưởi đồi xanh cuốn lưới mù
Lớp lớp chuối rừng chen loáng bạc
Bướm đàn ai thả - nỗi hoang vu.
Ấm cảnh hoang vu một mái nhà
Sàn cao đón gió lộng phương xa
Mảnh vườn không ngõ, không rào giậu
Ngô sắn xanh che bóng lợn gà.
Giữa sàn bếp đượm, lửa reo vui
Già trẻ khèn say, rộn tiếng cười
Cô gái vai trần, da nắng đậm
Ngây thơ hoa đỏ giắt bên tai
Lòng người cũng thắm như hoa ấy
Mộc mạc nhưng mà thấm đậm thay!
Ở đây rượu trú không nồng lắm
Có uống rồi ra mới thấy say.
Nghỉ bước đường trường, ta tới đây
Nhóm lò lửa ấm, khói hòa mây.
Lắng nghe nhịp sống rừng nguyên thủy
Thong thả buông lòng trong phút giây...
Cà Roòng (Bố Trạch, Quảng Bình), 1947
Theo DVT.vn