0962801374

Chẩn Đoán Bệnh

Chẩn Đoán Bệnh
Khi cơ thể có sự xáo trộn (bệnh), sự xáo trộn đó được thông tin ra ngoài cơ thể dưới nhiều hình thức khác nhau, dựa theo 1 số quy luật nhất định. Dựa vào thông tin đó, có thể tìm ra được vị trí sự rối loạn và biết cách điều chỉnh lại cho hết rối loạn.


 
Trong phần này, chúng tôi xin giới thiệu 1 phương pháp chẩn bệnh, tương đối mới, dựa theo 1 số những tài liệu xuất bản gần đây.
Phương pháp này, có quan hệ rất lớn đối với Tứ chẩn của YHCT nhưng đào sâu vào 1 số khía cạnh riêng biệt và độc đáo hơn.
Để giúp cho việc chẩn bệnh được hoàn hảo và chính xác hơn, cần biết 1 số yếu tố sau :
1.- Biết nguyên tắc báo bệnh.
2.- Biết ý nghĩa các loại dấu hiệu báo bệnh.
3.- Biết vị trí liên hệ đến vùng xuất hiện các dấu hiệu báo bệnh.
A.- NGUYÊN TẮC BÁO BỆNH
 
Các nhà nghiên cứu sinh học nhận thấy rằng : chung quanh cơ thể mỗi sinh vật đều có năng lượng điện. Năng lượng này có thể đo được bằng cách đặt 1 điện kế ở gần hoặc trên da. Cường độ năng lượng điện này thay đổi hàng giờ, hàng ngày (xem thêm phần Giờ Vượng Suy Của Các Kinh Lạc trong chương Học Thuyết Kinh Lạc). Thời gian mà 1 người cảm thấy khỏe mạnh hoặc nhọc mệt đều có thể đo được bằng cách đo năng lượng điện. (Đây là 1 phương cách chủ yếu trong việc áp dụng đo các Nguyên huyệt của các đường kinh).
 
Ngay từ năm 1940, Kirlian, trong khi chụp hình các sinh vật, đã tình cờ khám phá thấy năng lượng điện này và gọi nó là chất Plasma sinh học (còn gọi là hào quang). Kirlian đã chụp được ở chung quanh các sinh vật có 1 giải ánh sáng đỏ, xanh trắng và vàng. Những lá cây vừa bị bứt ra khỏi cành cũng có biểu hiện đó, nhưng để lâu thì không còn.lá của những cây khỏe mạnh thì tỏa sáng, trong khi đó, lá của những cây bị bệnh biểu hiện bằng những màu sắc khác hẳn. Một hôm, 1 người khách nhờ Kirlian chụp hình 2 chiếc lá giống hệt nhau, Kirlian cố gắng chụp suốt cả đêm nhưng vẫn không làm sao không 2 lá giống nhau được. Kirlian nghĩ rằng ông đã thất bại. Ngày hôm sau, khi đưa những tấm ảnh ông đã chụp và giải thích sự cố gắng vô vọng của ông cho người khách thì người khách lại hết sức hài lòng và giải thích rằng : sự khác nhau giữa 2 lá cây trên là do 1 chiếc lá được bứt ra ở 1 cây có bệnh và chiếc còn lại ở cây không bệnh. Tại Liên Xô, khi nghiên cứu các tấm ảnh chụp cơ thể con người, các nhà nghiên cứu tại đại học Kiep nhận thấy rằng có những chấm ánh sáng mạnh hơn ở 1 số cơ thể. Những bộ phận phát ra ánh sáng đều giống nhau ở mọi người. Khi đem so sánh các tấm ảnh với những huyệt của khoa châm cứu thì thấy 700 huyệt của khoa châm cứu hoàn toàn trùng với những điểm có ánh sáng mạnh mà Kirlian đã chụp được.
 
Hiện nay có 1 cách chụp ảnh bằng cách đổi nhiệt ra các màu sắc khác nhau. Những bức ảnh nhiệt đó cũng thể hiện 1 thứ hào quang chung quanh cơ thể : những bộ phận "chết" như móng tay, tóc... thể hiện ra màu đen còn các màu khác hiện ra màu xanh lục, đỏ da cam... Nếu bộ phận nào của cơ thể bị bệnh thì màu sắc thay đổi, căn cứ vào sự thay đổi màu sắc, có thể phần nào biết được tình trạng của sự rối loạn cơ thể. Ngoài những biểu hiện về nhiệt lượng, màu sắc, ngày nay, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy nhiều sự thay đổi khác như thay đổi điện trở (Điện trở vùng huyệt bệnh xuống thấp hơn vùng khác) thay đổi trạng thái (trở nên mềm, hoặc cứng hoặc đau đớn hơn chỗ khác), hoặc xuất hiện 1 số dấu hiệu riêng biệt (tàn nhang, mụn ruồi, vết ban...) những dấu hiệu báo bệnh này đang được các nhà nghiên cứu chú ý đến và trong 1 ngày gần đây cơ chế của những lý thuyết này sẽ được loan báo 1 cách rõ ràng và hoàn hảo hơn.
 
Tuy nhiên, cho đến nay, những nhà nghiên cứu chỉ mới có thể cho biết rằng : các vùng ánh sáng thể hiện trong cơ thể chính là những bộ phận trong con người chúng ta biết được những thay đổi, thí dụ : thay đổi về điện trong không khí, về từ trường của trái đất, về sự xáo trộn của các bộ phận, cơ quan tương ứng vùng phát điện... Những thay đổi này nhiều khi quá nhỏ bé đến nỗi ta không cảm nhận hết tất cả những thay đổi đó, mà chỉ cảm nhận được 1 phần nào thôi. Thế nhưng, nếu ta rèn luyện và nắm được 1 số những nguyên tắc kỹ thuật, ta có thể nhận được những thông tin đó, có thể biết và cũng có thể diễn đạt được.
 
B.- QUY LUẬT BÁO BỆNH
 
Khi cơ thể có sự xáo trộn (bệnh), sự xáo trộn đó được thông tin ra ngoài cơ thể dưới nhiều hình thức khác nhau, dựa theo 1 số quy luật nhất định. Dựa vào thông tin đó, có thể tìm ra được vị trí sự rối loạn và biết cách điều chỉnh lại cho hết rối loạn.
 
1.- Luật cục bộ : Xuất hiện ngay tại vùng bệnh.
 
Thí dụ : Dây thần kinh tọa đau : xuất hiện những thống điểm tại huyệt Hoàn Khiêu hoặc dọc theo mặt ngoài chân (theo đường kinh Đởm).
 
2.- Luật lân cận : Xuất hiện gần hoặc quanh vùng bệnh.
 
Thí dụ : vùng sau gáy đau : xuất hiện thống điểm (điểm đau) tại huyệt Phong Trì, Thiên Trụ hoặc quanh vùng đó.
 
3.- Luật đối xứng : Xuất hiện ở vùng đối xứng với vùng bệnh (phương pháp này được áp dụng trong cách châm đối xứng theo trường phái của Nhật, và được mô tả trong Thiên "Mậu Thích" của sách Nội Kinh Tố Vấn.
 
4.- Luật phản chiếu : Khi cơ thể bệnh, các dấu hiệu báo bệnh sẽ xuất hiện ở những bộ phận cơ quan hoặc vùng phản chiếu tương ứng (các vùng phản chiếu gồm : mặt, tai, đầu, mũi, lòng bàn tay, lòng bàn chân).
 
Thí dụ : Bệnh ở phổi sẽ xuất hiện dấu báo bệnh ở :
 
- Vùng giữa má trên khuôn mặt.
 
- Vùng giữa xoắn tai dưới ở trong tai.
 
- Vùng phía dưới ngón tay giữa, trên đường đi của Tâm đạo.
 
C.- DẤU HIỆU BÁO BỆNH
 
Khi cơ thể có sự rối loạn (bệnh), ở các vùng tương ứng thường thấy có dấu hiệu báo bệnh. Vì khuôn khổ tài liệu có hạn, chúng tôi chỉ xin giới thiệu 1 số dấu hiệu báo bệnh thường gặp trên lâm sàng thôi (muốn rõ chi tiết, xin tham khảo thêm ở các sách chuyên đề).
 
1.- Đau
 
Dấu hiệu thông thường nhất là đau. Khi ấn vào vùng nào đó thấy đau, tùy theo quy luật báo bệnh và vị trí tạng phủ liên hệ, có thể biết tạng phủ, cơ quan liên hệ đến vùng đó có sự rối loạn cần điều chỉnh. Thí dụ : ấn vào huyệt Phế du thấy đau, có thể đoán là Phế (phổi) người đó có sự rối loạn (cần điều chỉnh), phổi bị bệnh cách nào đó (theo quy luật cục bộ).
 
- Ấn vào vùng gò má trên mặt thấy đau, có thể đoán là Tim người đó có sự rối loạn (theo quy luật phản chiếu)...
 
Tùy theo tính chất ĐAU, có thể đoán chính xác hơn tính chất bệnh.
 
Thường có thể dựa theo tiêu chuẩn sau :
 
a) Ấn vào đau nhiều, đau dữ dội là biểu hiện của bệnh cấp tính thuộc thực chứng.
 
b) Ấn vào đau ít, đau ê ẩm là biểu hiện của bệnh mãn tính thuộc hư chứng.
 
Đau ở đây phải hiểu là vùng hoặc huyệt chỗ ta dùng que dò ấn vào để kiểm tra thấy chỗ đó đau nhiều hơn chỗ khác.
 
Tại sao khi bộ phận, cơ quan bị đau hoặc rối loạn, các vùng tương ứng cũng xuất hiện dấu hiệu đau ?
 
YHCT cho rằng : đau là do khí huyết trong cơ thể không lưu thông được 1 cách bình thường, bị ứ trệ gây nên đau, do đó, trong sách Nội kinh có ghi : "Thông tắc bất thống, thống tắc bất thông" (Lưu thông thì không đau, đau là do không thông).
 
YHHĐ cho rằng : đau là do sự kích thích chất tinh thể lắng đọng ở vùng thần kinh phản xạ của bộ phận hoặc cơ quan bị đau và sự đau là sự lưu thông không hợp giữa các chất lỏng truyền từ thần kinh phản xạ ở vùng tương ứng đến bộ phận cơ quan đang bị xáo trộn.
 
Mỗi cơ thể là 1 sinh vật có sức sống khác biệt, do đó tính chất đau cũng biểu hiện khác nhau : có người có cảm giác đau nhiều, có người chỉ thấy hơi đau, có người lại cảm thấy đau rất ít so với các vùng khác.
 
Do đó tạm thời có thể đưa ra 1 số nhận xét sau :
 
- Khi dò (ấn) tìm huyệt (điểm) đau, cần phải tìm nhiều vùng khác nhau để tránh tình trạng khai mơ hồ của người bệnh (ấn đâu cũng thấy đau).
 
- Vùng (huyệt, điểm) nào càng đau nhiều, càng phản ảnh bệnh lý rõ và nặng hơn.
 
- Trong khi điều trị, nếu sự đau giảm dần, nghĩa là lúc đầu ấn vào rất đau, sau khi điều trị, sự đau giảm dần, có thể hiểu rằng bệnh hoặc sự xáo trộn ở các cơ quan, bộ phận tương ứng đã giảm. Ngược lại, sau khi điều trị các điểm đau vẫn còn thì phải xét lại phương pháp chẩn bệnh (có thể đã chẩn sai) hoặc cũng có thể là do kỹ thuật điều trị (châm cứu, dùng thuốc), chưa đạt yêu cầu.
 
Qua các điều trình bày trên, ta thấy đau là 1 phương thế tự nhiên báo cho ta biết cơ thể đang gặp sự rối loạn, trục trặc, để giúp ta tìm cách điều chỉnh lại thế quân bình cho cơ thể.
 
2.- Thay đổi điện trở ở da
 
Theo các nhà nghiên cứu về sinh lý học, con người luôn mang trong cơ thể dòng điện, khi cơ thể bệnh, (có sự xáo trộn về sinh lý) điện trở trong người cũng theo đó mà thay đổi. Dựa vào đặc tính trên, với các thiết bị khoa học, các nhà kỹ thuật đã chế tạo ra các máy dò Huyệt.
 
Khi cơ thể bệnh, vùng huyệt tương ứng với các bộ phận, cơ quan bệnh sẽ bị giảm điện làm cho điện trở vùng huyệt đó sẽ bị giảm xuống và sự thay đổi này được các máy dò huyệt khám phá thấy. Từ những vùng tương ứng nhất định, ta sẽ có thể suy đoán ra cơ quan, bộ phận liên hệ bệnh.
 
Thí dụ : Nơi người bình thường, huyệt Hợp cốc có điện trở 70-90 Ohm (W ) khi đo thấy điện trở ở huyệt này lên trên 100-200 Ohm (W ), có thể nghĩ rằng Kinh Đại trường và Đại trường của người đó bị trở ngại gì đó (vì Hiệp cốc là nguyên huyệt của kinh Đại trường).
 
Ngoài ra, dựa vào 1 số biểu hiện ngoài da, trên lâm sàng hay gặp các dấu hiệu sau:
 
3.- Vết Ban
 
Ban là những nốt nhỏ xuất hiện trên da, thường có màu đỏ hoặc trắng (trên lâm sàng, thường gặp nhất là loại Ban màu đỏ). Vì hình dáng và màu sắc trên, nên thường lầm lẫn với nốt muỗi cắn. Tuy nhiên có điểm khác biệt như sau :
 
TÍNH CHẤT
VẾT BAN
VẾT MUỖI ĐỐT
Màu sắc
Đỏ hoặc hồng
Hồng
Kích thước
Nhỏ, không có lan tỏa
To và có tác dụng lan
Sức ấn
Ấn mạnh vào không giảm màu
Ấn mạnh vào có màu trắng, lợt hơn
 
Ý nghĩa : Khi có vết Ban xuất hiện thì đó là dấu hiệu sắp phát bệnh. Thí dụ : vùng phổi ở mặt (ở giữa má), tự nhiên có vết Ban xuất hiện, có nghĩa là phổi người người đó sẽ gặp trục trặc và sẽ xuất hiện trong vài ngày tới (có thể là ho, tức ngực, đờm...) tùy theo màu sắc (đậm hoặc lợt), có thể đoán được thời gian xảy đến :
 
+ Màu lợt : xuất hiện bệnh chậm, có thể vài ngày sau.
 
+ Màu đậm : bệnh xuất hiện đến nơi.
 
Dấu hiệu báo bệnh càng đậm, thời gian xuất hiện bệnh càng nhanh, (về cơ chế xin xem thêm phần "Bì Chẩn - Xem Da").
 
4.- Tàn nhang
 
Tàn nhang là những vết nằm sát mặt da, sờ không thấy nổi cộm, nhỏ, mọc đơn hoặc thành từng đám lấm tấm trên da, màu đen, màu nâu đậm hoặc lợt, giống như màu của cây nhang sau khi đốt cháy để tàn (tro) lại, do đó gọi là tàn nhang (tro của cây nhang).
 
Đây là loại báo bệnh thường gặp trên lâm sàng nhất. Một vết tàn nhang, dù nhỏ hoặc rất nhạt đều là dấu chỉ của 1 bệnh đã và đang xảy ra. Dấu vết càng lớn, màu càng đậm thì cơ quan tạng phủ ở vùng tương ứng càng bị nặng, bệnh lâu.
 
Thí dụ : Tàn nhang xuất hiện ở vùng lưng, ngang huyệt Vị du, có thể chẩn đoán là bao tử người đó đã và đang bị trở ngại, xáo trộn, có bệnh cách nào đó.
 
5.- Mụn ruồi
 
Mụn ruồi là 1 loại mụn mọc nổi trên da, nhìn xa xa thấy giống hình dáng con ruồi, nên đặt tên là mụn ruồi.
 
Nhiều người phân ra loại mụn ruồi sống (sinh) và mụn ruồi chết (tử). Tuy nhiên, trên lâm sàng, hầu như cả 2 loại này đều cùng 1 biểu thị như nhau (chỉ có khác biệt trong ngành tướng số học là thấy rõ hơn).
 
Mụn ruồi báo hiệu 1 tình trạng bệnh nặng, xấu.
 
Khi mụn ruồi xuất hiện ở vùng nào thì cơ quan, tạng phủ liên hệ đã bị bệnh 1 thời gian khá lâu rồi.
 
Ghi chú :
 
a) 1 số người nêu lên yếu tố tàn tật khi gặp mụn ruồi. Cụ thề là khi có dấu hiệu báo bệnh mụn ruồi xuất hiện ở vùng tương ứng, với tay, chân ở vùng phản chiếu trên khuôn mặt (Lông mày, cằm...) thì cho là tay chân có thể bị tật, gẫy, cụt... Cần hết sức lưu ý và cẩn thận khi nêu lên yếu tố tàn tật này, vì thực tế trên lâm sàng cho thấy, có nhiều người có mụn ruồi ở các vùng trên, cho đến chết vẫn không thấy xuất hiện tật gì cả.
 
b) Dấu hiệu mụn ruồi có 1 đặc điểm khác thường là hay xuất hiện theo luật đồng bộ. Giả sử : vùng lông mày trên khuôn mặt (tức là tính theo quy luật phản chiếu) có dấu hiệu mụn ruồi thì ở cánh tay cơ thể cũng xuất hiện mụn ruồi ở vùng tương ứng. Cũng có nhiều trường hợp không xảy ra theo đúng quy luật trên nhưng tỷ lệ đạt được khá cao, thường từ 80-85% xảy ra theo quy luật trên. (Đây cũng là điều cần lưu ý nghiên cứu thêm).
 
Ngoài ra, trên lâm sàng cũng có thể gặp loại mụn ruồi có lông, tức là loại mụn ruồi nhưng lại mọc thêm lông.
 
Mụn ruồi có lông thường là dấu hiệu rất xấu, biểu hiện của bệnh nặng, trầm trọng, kéo dài và khó có thể điều trị được.
 
Mụn ruồi có lông thường gặp ở người bị ung thư. Tùy vùng tương ứng với vị trí xuất hiện mụn ruồi có lông có thể suy đoán ra bệnh ung thư hoặc bệnh nặng ở cơ quan, tạng phủ liên hệ.
 
6.- Vết Nám
 
Là 1 vùng da bị xám hoặc bầm lại.
 
Đây là loại dấu hiệu báo bệnh mãn tính, kéo dài lâu ngày thường gặp ở những người bị bệnh gan, thận lâu ngày.
 
Tuy nhiên có 1 số điểm cần lưu ý :
 
- Diện tích vết nám to, rộng thì bệnh lâu.
 
- Vết nám đậm màu thì mức độ trầm trọng, càng đậm bao nhiêu thì càng trầm trọng bấy nhiêu.
 
- Vết nám nhạt thì bệnh nhẹ, sắp khỏi.
 
Do đó, có thể dựa vào tính chất thay đổi của màu sắc mà kiểm tra diễn tiến bệnh. Thí dụ : khi bắt đầu chữa, vết nám đậm màu, sau 1 thời gian điều trị, vết nám nhạt màu dần thì có thể biết là bệnh đang trên đà tiến triển, có hy vọng phục hồi. Ngược lại, sau 1 thời gian điều trị, vết nám không thay đổi màu sắc hoặc đậm hơn... dù có những triệu chứng bệnh giảm, có thể hiểu là bệnh ở bên trong không tiến triển tốt, và bệnh đang phát triển ngầm cách nào đó.
 
- Vết nám lan tỏa thì bệnh có tính cách lan tỏa ra các cơ quan bên cạnh chứ không ở vào 1 cơ quan nhất định.
 
7.- Tia máu dưới da
 
Có hình dạng như 1 đoạn tĩnh mạch hoặc động mạch nhỏ xuất hiện dưới da.
 
Tĩnh mạch dưới da có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức rõ (nổi) hoặc chìm (khó thấy), có người chỉ cần nhìn cũng thấy, có người phải đè căng da mới thấy. Nếu xuất hiện ở vùng trán, 2 bên Thái dương, phía dưới ở mắt hoặc ở gò má, hoặc ở vùng 2 bên nhân trung và đầu mũi thường dễ nhận thấy hơn.
 
Tia máu dưới da thường biểu hiện bệnh mãn tính (lâu ngày) và trầm trọng, hay gặp ở những Thần kinh suy nhược.
 
Dấu hiệu này xuất hiện ở đâu thì nơi đó thường có sự bế tắc về bài tiết hoặc bài tiết quá độ.
 
Tia máu màu đỏ thường biểu hiện sự viêm nhiễm.
 
Tia máu màu xanh thường chỉ sự ứ trệ bài tiết.
 
Trên đây là 1 số những dấu hiệu báo bệnh thường hay gặp. Lẽ dĩ nhiên còn rất nhiều hình thức báo bệnh khác trên lâm sàng có thể gặp mà vì điều kiện chưa đủ để cho phép đề cập đến trong tài liệu này (Đây cũng là 1 điều rất đáng lưu ý và nghiên cứu thêm).
 
Tuy nhiên, cần lưu ý thêm 1 số vấn đề :
 
a) 1 số dấu hiệu báo bệnh có liên hệ đến yếu tố tuổi tác. Thí dụ : người ta thấy rằng mụn cơm (Nevi) có liên hệ đến chứng lão suy, vì khi người ta càng lớn tuổi thì những vết thâm nhiễm này càng không ngừng gia tăng, do đó không thể căn cứ trên sự gia tăng đó mà chẩn đoán bệnh gia tăng hoặc khó điều trị.
 
b) Bình thường cơ thể ta chịu đựng được với môi trường bên ngoài để bảo tồn và phát triển cơ thể, nếu vì lý do nào đó, cơ thể bị suy kém, lập tức có 1 sự "Điều tiết" cách nào đó cho thích nghi với môi trường bên ngoài và qua sự điều tiết đó, ta có thể phát hiện ra sự rối loạn ở các cơ quan, tạng phủ liên hệ.
 
Như vậy, tất cả các sự thay đổi ở da (vết nám, vết ban, mụn ruồi, mụn cơm , tia máu...) đều có thể cho thấy sự rối loạn hoặc suy yếu của 1 bộ phận, cơ quan, tạng phủ bên trong, tuy nhiên, không nên sợ hãi quá đáng về sự suy yếu này, chỉ cần ghi nhớ là : những {cqan tạng phủ liên hệ cần được lưu ý săn sóc đặc biệt hơn qua các dấu hiệu đó.
 
ƯU KHUYẾT ĐIỂM CỦA PHƯƠNG PHÁP CHẨN BỆNH MỚI
 
Qua phần trình bày trên ta thấy :
 
1.- Ưu điểm
 
- Giúp cho việc chẩn đoán nhanh.
 
- Lợi hơn các phương pháp chẩn đoán khác vì không phải đòi hỏi nhiều dữ kiện, yếu tố, ở đây chỉ cần xem xét những dấu hiệu báo bệnh, nắm được nguyên tắc báo bệnh, ý nghĩa các dấu hiệu báo bệnh và vị trí vùng tương ứng là đã có thể phần nào thấy được sự rối loạn của các bộ phận trong cơ thể.
 
2.- Khuyết điểm
 
a) Không cho biết rõ về sự rối loạn của cơ thể. Thí dụ : thấy vết Ban hoặc tàng nhang ở vùng má (vùng phản chiếu của Phế trên khuôn mặt), có thể biết là Phổi người đó đang bị trở ngại, bệnh, nhưng cụ thể là rối loạn làm sao ? Bệnh gì ? (Viêm nhiễm, tràn dịch, tràn khí, đờm, áp xe Phổi) thì phương pháp này không thể biết được. Nếu muốn biết rõ, cần phải áp dụng phương pháp chẩn đoán khác.
 
b) Vấn đề khó khăn mà các nhà nghiên cứu đang tìm cách giải quyết là :
 
b1. Các dấu hiệu báo bệnh xuất hiện vào thời điểm nào : trước hoặc sau đang khi có sự xào trộn trong cơ thể.
 
b2. Đối với các vùng phản chiếu, vùng nào mang đặc tính báo hiệu nhanh nhất và chính xác nhất. Thí dụ : khi cơ thể bệnh, dấu hiệu báo bệnh sẽ xuất hiện ở mặt (theo cách phản chiếu ở mặt) hoặc ở tai (phản chiếu ở tai) hoặc ở chân tay (phản chiếu ở tay chân)... có khi dấu hiệu báo bệnh xuất hiện ở mặt, nhưng để tai, tay, chân, đầu, lại không thấy có dấu hiệu báo bệnh hoặc đôi khi ở 1 vùng nào đó có dấu hiệu báo bệnh mà vùng khác lại không có. Như vậy vùng nào đáng được coi là thì cậy nhất để tập trung chẩn đoán vào đấy ?
 
b3. Có những dấu hiệu báo bệnh, khi ta nhận thấy thì sự xáo trộn cơ thể đã xảy ra rồi.
 
b4. Cũng có những trường hợp dấu hiệu báo bệnh tuy đã xuất hiện nhưng chưa thấy có sự rối loạn ở bộ phận tương ứng.
 
b5. Có 1 số trường hợp, tuy có dấu hiệu báo bệnh nhưng dễ bị hiểu lầm. Thí dụ : Nốt ruồi, có người sinh ra đã có ngay những nốt ruồi, vết bớt... khó có thể cho rằng họ đã hoặc sẽ bị bệnh liên quan đến nốt ruồi hoặc vết bớt bẩm sinh đó được : nhiều người đã thấy có những dấu hiệu bẩm sinh đó nhưng suốt đời không hề thấy bị bệnh ở vùng cơ quan, bộ phận có liên hệ đến các dấu hiệu bẩm sinh đó.
 
KẾT LUẬN
 
Đây là 1 trong số nhưng phương pháp mới, vì mới nên chưa đủ điều kiện để thỏa mãn hết mọi yêu cầu đề ra, tuy nhiên, vì sự say mê nghiên cứu, cần đào tạo sâu hơn để phát triển phương pháp này cho hợp tình hợp lý hơn.
 
" Theo mục sức khỏe cộng đồng "
Nguồn tham khảo:
  1. Trung Tâm Dược Liệu Dưỡng Sinh Đông Y Thú Cưng LotiPET
ĐT: 0962801374

http://lotipet.com
http://facebook.com/LotiPET
http://youtube.com/LotiPET
  1. GS. VS. TSKH. BS. Đái Duy Ban, GS. TS. Lê Thanh Hòa – Công Nghệ Sinh Học đối với Cây Trồng Vật Nuôi và Bảo Vệ Môi Trường - NXB Y Học - 2006
  2. GS. VS. TSKH. BS. Đái Duy Ban, ThS. Lê Khánh Linh, ThS. Đái Thị Việt Lan -  Cẩm Nang Phòng Trị Bệnh Động Vật Bằng Phương Pháp Y Học Cổ Truyền kết Hợp Y Học Hiện Đại -  2016
  3. BS. Lê Khánh Đồng - Châm Cứu Đơn Giản - NXB Y Học 1962
  4. LY. Lê Đắc Quý, ThS. Lê Khánh Linh - Đông Y Điều Trị Bệnh - NXB Y Học 2012
  5. GS. DS. Lê Khánh Trai, GS. BS. Nguyễn Tài Thu - Hệ Kinh Lạc - 1990
  6. BS. Nguyễn Khắc Viện - Dưỡng Sinh Việt Nam – 1989
  7. TS. Phạm Quang Trung - Bài Giảng Thú Y - 2010
  8. GS. Janet Amundson Romich - Dược Thú Y - USA 2011
  9. GS. Steve L. Stockham, GS. Michael A. Scott - Thú Y - USA 2008
  10. GS. David Alderton, Alan Edwards, Mike Stockman, Peter Larkin - Toàn Tập: Thú Cưng và Chăm Sóc Thú Cưng – United Kingdom 2011


X